Sự phát triển Đế_quốc_Đức

Thành tựu quang vinh của Thủ tướng Bismarck là sự ra đời của Đế quốc Đức ngày 18/1/1871, khi Vua Wilhelm I của Phổ cử hành lễ đăng quang làm Hoàng đế Đức trong Điện Versailles của Pháp. Đế quốc Đức được thống nhất nhờ quân lực Phổ. Vào lúc này, đấy là cường quốc hùng mạnh nhất ở lục địa châu Âu; đối thủ duy nhất trên toàn châu Âu chỉ có Vương quốc Anh.

Tuy thế, có một nhược điểm nghiêm trọng. Trên thực tế, Đế quốc Đức chỉ là nước Phổ mở rộng; thực lực của Đế quốc chỉ là thực lực của Phổ. Đấy là sự thật, và gây hậu quả tai hại cho chính người Đức. Từ năm 1871 đến năm 1933 và thật ra cho đến ngày tàn của Hitler năm 1945, dòng lịch sử của Đức cứ thẳng tiến theo cách như thế, ngoại trừ nền Cộng hòa Đức ngắn ngủi (1918-1933).

Vua Wilhelm I của Phổ cử hành lễ đăng quang làm Hoàng đế Đức trong Điện Versailles

Dù cho vẻ bề ngoài dân chủ qua việc thành lập Nghị viện, Đế quốc Đức thật ra là chế độ chuyên chế quân phiệt dưới quyền của Vua nước Phổ, cũng là Hoàng đế Đức. Nghị viện không có nhiều quyền hành, mà chỉ là một diễn đàn để đại diện nhân dân bàn cãi cho hả dạ hoặc mặc cả quyền lợi nhỏ nhoi cho giai cấp mà họ làm đại diện. Ngai vàng nắm quyền hành – theo ý niệm thiêng liêng. Tuy Hoàng đế Friedrich III (lên ngôi vào năm 1888), gắn bó mãnh liệt với phong trào chủ nghĩa tự do nước Đức thời đó, ông lại mất sớm.[12] Về sau này, năm 1910, Hoàng đế Wilhelm II còn tuyên bố rằng ngai vàng "chỉ do Thượng đế trao cho, chứ không phải từ nghị viện hoặc qua dân chúng." Ông còn nói thêm: "Vì bản thân Trẫm là công cụ của Thượng đế, Trẫm làm theo ý mình."

Hoàng đế không bị Nghị viện ngăn trở. Ông bổ nhiệm Thủ tướng để chịu trách nhiệm với chính ông, không phải với Nghị viện vốn không có quyền bất tín nhiệm. Vì thế, trái ngược với sự tiến hóa của các quốc gia khác ở Tây Âu, ý niệm về dân chủ, về quyền hạn của nghị viện không bao giờ bén rễ ở Đức, ngay vào đầu thế kỷ 20. Dù cho các đảng phái lớn tiếng đòi hỏi chế độ quân chủ nghị viện, họ vẫn không thành công. Các tầng lớp trung lưu, được hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp và bị lóa mắt vì chính sách hiếu chiến của Bismarck, chỉ biết tiếp nhận lợi ích vật chất mà không thiết tha gì đến tự do chính trị mà họ có quyền hưởng. Họ chấp nhận chế độ chuyên chế của vương triều Hohenzollern. Họ cam lòng nép dưới bộ máy cai trị của tầng lớp quý tộc Junker và chế độ quân phiệt của Phổ.

Giai cấp công nhân Đức cũng có thái độ tương tự. Để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội, trong giai đoạn 1883-1889 Bismarck thiết lập chương trình an ninh xã hội rộng rãi, bao gồm bảo hiểm cho lương hưu, bệnh tật, tai nạn và thương tật. Dù cho Nhà nước tổ chức, nguồn kinh phí được lấy từ chủ và thợ. Việc này khiến cho giai cấp công nhân đánh giá cao an ninh xã hội hơn là tự do về chính trị, và xem Nhà nước là ân nhân của họ. Hitler sau này lợi dụng triệt để tâm lý ấy. Trong quyển Mein Kampf, ông viết: "Tôi đã nghiên cứu pháp chế chủ nghĩa xã hội của Bismarck." Nước Đức vươn lên, và hầu như toàn dân Đức đều nức lòng làm theo tất cả những gì mà nhà lãnh đạo đòi hỏi.

Sau chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, Bismarck thiết lập liên minh với Đế quốc Áo-HungĐế quốc Nga ở phía Đông, do phía Tây là mối đe dọa lớn nhất cho Đế quốc Đức. Tuy nhiên, Đức hoàng Wilhelm II sau khi lên ngôi đã sa thải Bismarck vào năm 1890. Đức hoàng cũng xé bỏ liên minh với Nga, buộc Nga phải thành lập liên minh quân sự với nước Pháp đang khao khát báo thù.[13] Vào năm 1914, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Quân đội Đế quốc Đức - dưới sự chỉ huy của tướng Paul von Hindenburg[14] - đại phá quân Nga trong trận Tannenberg vào tháng 9 năm đó.[15] Chiến thắng này được xem là sự báo thù của dân tộc Đức cho đại bại của các Hiệp sĩ Teuton trước quân Nga trong trận Grunwald vào năm 1410.[14]